Tin tức

Hà Nội xây nhà máy tái chế rác để xuất khẩu

Nhà máy có công suất xử lý 2.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, được xây dựng theo hình thức BOT, đặt tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Toàn bộ rác thải sẽ được phân loại, xử lý, đóng gói và xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo dự án của Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC) - chủ đầu tư, nhà máy xử lý rác thải có công suất 2.000 tấn một ngày đêm được áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Rác sinh hoạt vào nhà máy được phân thành 3 loại: sản phẩm có thể tái chế như đồ nhựa, cao su; rác hữu cơ sẽ được xử lý bằng công nghệ lên men để thành phân compost; rác trơ như vật liệu xây dựng, gốm... cũng sẽ được tái sử dụng.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng giám đốc Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC), điểm đặc biệt là phần lớn sản phẩm sau khi xử lý sẽ được đóng gói và xuất khẩu để tái chế tại một nước khác nên sẽ không gây ô nhiễm cho khu vực Hà Nội. Chủ đầu tư cho biết, đã có một số hãng tại Malaysia, Singapore, Thái Lan đồng ý nhập khẩu các sản phẩm phân hữu cơ để bón cây công nghiệp.

Sản xuất phân tại Nhà máy xử lý rác Cầu Diễn. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhà máy xử lý rác có tổng vốn đầu tư khoảng 31 triệu USD, xây dựng trong 5-7 tháng. Chủ đầu tư kiến nghị UBND thành phố cấp 15 ha đất để xây dựng nhà máy và làm kho chứa vật liệu đã đóng gói.

Nếu nhà máy này đi vào hoạt động sẽ xử lý được phần lớn lượng rác thải sinh hoạt trên toàn địa bàn. Hiện mỗi ngày, Hà Nội có khoảng 3.600 tấn rác các loại, hầu hết được xử lý theo công nghệ chôn lấp, đã gây ô nhiễm môi trường và tiêu hao diện tích đất ngày một lớn.

Mặc dù chủ trương đầu tư đúng đắn của UBND thành phố Hà Nội song nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý vẫn tỏ vẻ e ngại. Theo ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, dây chuyền xử lý rác được giới thiệu là bán tự động nên việc phân loại rác vẫn thực hiện thủ công, công nhân phải đứng tách 2.000 tấn rác mỗi ngày là không ổn. Do vậy, cần một hệ thống phân loại rác tự động thay vì bán tự động.

Ngoài ra, ông Rao cho rằng, phải có xác nhận của nước đồng ý nhận rác đóng gói thì mới có cơ sở xây dựng nhà máy. Bởi phân compost không phải phù hợp với nhiều loại cây trồng.

Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cũng đồng tình cho rằng, lợi thế của nhà máy xử lý rác là đóng gói và chuyển đi, không gây ô nhiễm cho Hà Nội. Ngoài ra, phải làm rõ những vật liệu rác thô không thể xuất khẩu và có cam kết của đối tác nước ngoài về nhập rác. "Lực lượng lao động để phân loại rác khá lớn nên điều kiện làm việc cũng là vấn đề phải đặt ra. Ngoài ra, trong trường hợp lượng rác tồn kho lớn vì nhà máy trục trặc thì sẽ giải quyết ra sao", Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường nêu ý kiến.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng giám đốc Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC), đặc thù rác sinh hoạt ở Hà Nội là không được phân loại từ nguồn, nên bắt buộc phải phân loại tại nhà máy bằng phương pháp thủ công, không thể phân loại tự động như nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, các đối tác nước ngoài cho biết sẽ nghiên cứu thêm một số công nghệ phân loại rác cho phù hợp với Việt Nam.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh, Thường trực Thành ủy và UBND thành phố đã đồng ý chủ trương đầu tư nhà máy xử lý rác theo hình thức BOT. Phía thành phố sẽ nhanh chóng bố trí địa điểm xây dựng nhà máy tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn để chủ đầu tư sớm khởi công dự án. Đơn vị thực hiện phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, tìm nguồn ra cho sản phẩm rác sau đóng gói.